Nên thay bít tất thường xuyên.
Nấm kẽ chân và lòng bàn chân, chàm, mề đay chân, da tăng sừng... là các bệnh lý bàn chân thường gặp vào mùa mưa. Cách tốt nhất để phòng chống bệnh này là giữ cho chân luôn được khô ráo.
Sau đây là đặc điểm của một số bệnh cụ thể:
1. Nấm kẽ chân và nấm lòng bàn chân: Thường gặp ở những người mang tất và giày quá kín nhưng lại không thay tất thường xuyên, người hay bị ẩm ướt chân, có hoặc không kèm theo chứng ra mồ hôi chân.
Bệnh nấm kẽ ngón thường do nấm hạt men gây ra, vị trí thường gặp ở kẽ ngón 3 và 4. Biểu hiện chính là da bị đỏ thành từng mảng, bề mặt da mủn trắng, khi tróc để lại vết trợt màu đỏ, đôi khi rịn máu. Thỉnh thoảng có những vết nứt da ở bề mặt vùng bị tổn thương.
Nấm lòng bàn chân do loại nấm sợi tơ gây ra. Biểu hiện là da bị tróc, phủ một lớp vảy mịn trên nền và nổi thành mảng đỏ ở lòng bàn chân. Diễn tiến bệnh kéo dài, có thể lan lên rìa bàn chân và mặt mu bàn chân. Đôi khi xuất hiện các mụn nước nhỏ ở bên rìa vùng bị tổn thương.
Triệu chứng thường gặp và gây khó chịu cho người bị nhiễm nấm là cảm giác ngứa, rát. Trường hợp bội nhiễm sẽ kèm theo mụn mủ; vùng da bị bệnh trở nên sưng tấy, đôi khi nổi hạch háng và kèm sốt.
2. Chàm dạng tổ đỉa: Xuất hiện ở người có cơ địa dị ứng. Việc tiếp xúc với nước mưa hoặc dầm chân trong nước lâu ngày là điều kiện thuận lợi để phát bệnh. Triệu chứng chính là những mụn nước sâu trong da, kèm ngứa nhiều ở bề mặt bàn chân, đôi khi có hiện tượng bong da tróc vảy. Nếu bị bội nhiễm, các mụn nước hóa mủ, trở nên đục trắng hoặc vàng, có thể kèm theo sốt hoặc nổi hạch bẹn bên bàn chân bị tổn thương.
Điều trị: Nên giữ bàn chân luôn khô ráo và rửa sạch chân ngay sau khi đi mưa. Tránh tiếp xúc với các chất có khả năng gây dị ứng da như xà phòng, dầu nhớt...
3. Mề đay chân: Yếu tố thuận lợi để bệnh phát sinh là tiếp xúc với nước mưa, mang tất hoặc giày chật trong thời gian dài. Bệnh biểu hiện dưới dạng những nốt sẩn đỏ, đôi khi nổi thành từng mảng, kèm theo ngứa nhiều.
4. Chứng da tăng sừng: Chứng ra mồ hôi chân, sử dụng xà phòng, mang giày tất ẩm là những yếu tố thuận lợi để bệnh phát sinh. Biểu hiện chính là lòng bàn chân trở nên thô ráp, kèm đỏ da. Thoạt đầu, da bong vảy dạng nốt, giống như hình ảnh mụn nước bị vỡ ra; sau đó da dày lên và tróc thành mảng. Đôi khi tổn thương xuất hiện cả ở lòng bàn tay. Bệnh dễ bị nhầm với một số bệnh lý ngoài da khác như nấm, chàm tăng sừng nứt nẻ.
Các cách phòng tránh bệnh lý bàn chân trong mùa mưa:
- Giữ bàn chân luôn khô ráo. Khi làm vệ sinh, cần chú trọng các kẽ ngón, lấy sạch bụi và các chất bẩn bám vào đó.
- Sau khi đi mưa hoặc tiếp xúc với nước bẩn trên đường phố, cống rãnh, nên rửa sạch chân bằng nước ấm.
- Ngâm chân với nước ấm mỗi ngày để máu lưu thông tốt, đặc biệt là đối với những bệnh nhân có triệu chứng tê chân hoặc sử dụng giày, tất thường xuyên.
- Tránh để tất, giày hoặc các tấm lót giày bị ẩm ướt.
- Thay tất hằng ngày, tránh sử dụng các loại tất dễ gây kích ứng da hoặc quá chật.
- Có thể bôi một số dược phẩm hoặc mỹ phẩm dạng bột có tính hút ẩm nhằm giúp cho bàn chân luôn khô ráo. Nên bôi kỹ ở các vùng kẽ ngón chân.
ThS Hồ Xuân Vương, Sức Khỏe & Đời Sống