Hoặc bạn làm hại máy, hoặc là máy sẽ làm hại bạn khi sử dụng laptop không đúng cách. Để laptop trở thành công cụ đắc lực, giúp ích cho công việc, bạn nên tránh và lưu ý vài điểm cơ bản sau.
Nguyên nhân của mọi tai họa lại nằm ở chính ưu điểm của laptop. Đó là đặc tính cơ động. Bạn có thể tha lôi nó đi khắp nơi trong nhà, thậm chí là mang cả vào trong phòng tắm, rồi vừa làm vừa nhâm nhi ly trà đá, tách cà phê trong khi vẫn biết các thiết bị điện tử rất "sợ nước".
Hoặc giả bạn vừa trông con vừa sử dụng máy ngay trên sàn nhà. Chỉ nhãng đi, rời máy trong giây lát thì không có gì đảm bảo rằng con bạn sẽ không "nghiên cứu" máy, nô đùa mà giẫm ngã vào máy. Đặc biệt, bạn cũng không nên để kính, bút, tai nghe, usb... lên trên bàn phím, đề phòng con bạn gập máy vào "giúp" bố mẹ. Tai họa thì khôn lường nhưng chí ít có thể dự báo được là sẽ vỡ màn hình, bộ phận có giá trị gần bằng nửa cái máy.
Khi bạn mang máy đi từ phòng lạnh ra ngoài sân nắng, nhiệt độ chênh lệch và thay đổi quá đột ngột có thể không làm bạn ốm, nhưng laptop sẽ trục trặc ngay. Laptop như bị đánh rơi vào nước bởi tình trạng ngưng tụ hơi nước khi di chuyển từ nơi quá lạnh sang nơi quá nóng.
Nhiều người lại quá cẩn thận, kê máy lên chăn, thảm bông để làm việc mà không biết rằng nhiệt độ máy sẽ tăng cao do được "ủ ấm", quạt tản nhiệt bị mất tác dụng, không khí nóng quẩn bên trong. Nhẹ thì laptop sẽ tự tắt ngóm, treo cứng. Nặng thì sẽ đi tong con chíp vi xử lý và tệ hơn còn nổ pin. Trong tình huống nổ pin, không chỉ là người làm hại máy nữa mà máy còn gây tai họa, ảnh hưởng đến tính mạng sức khỏe của người sử dụng.
Ngoài ra bạn cũng lưu ý, luôn cắm phích của bộ sạc vào ổ cắm điện trước khi cắm giắc vào máy tính để tránh xung điện gây hỏng máy. Không cho trẻ sờ vào bộ sạc điện bởi nó dùng để chuyển đổi dòng điện lưới trực tiếp 220V nên rất nguy hiểm và nhiệt độ của nó khi hoạt động có thể lên tới 70 độ C dễ gây bỏng da non. Không nên kéo rê, di chuyển máy quá nhiều trong khi máy đang hoạt động, tránh sốc mạnh, bảo vệ ổ cứng.
Trong mọi tình huống, bạn cũng đừng bao giờ nghĩ đến việc tự tháo lắp, sửa chữa. Bởi với kết cấu phức tạp của phần thân vỏ và linh kiện, mạch điện tử mỏng manh dễ hỏng, dễ gãy dưới bàn tay "cứng cáp" của bạn thì phút chốc laptop biến thành một mớ hổ lốn. Riêng với tình huống laptop dính nước, việc đầu tiên và yêu cầu tức thời là phải tháo pin ngay ra khỏi máy.
CÔNG NGHỆ MỚI (Theo Lao Động)