Như
đã biết, vật liệu áp điện (Piezoelectric) có khả năng chuyển năng lượng
cơ học thành điện. Các nghiên cứu về lĩnh vực áp điện chủ yếu tập trung
vào khả năng chuyển đổi cử động của con người hay tác động của viên đạn
lên một dòng điện nhỏ. Tuy nhiên, các ứng dụng về công nghệ này trên
các sản phẩm tiêu dùng vẫn chưa có và nhiều năm qua, vật liệu áp điện
chỉ được các nhà khoa học sử dụng trong các cảm biến môi trường, loa và
microphone.

2 nhà đồng nghiên cứu dự án Young Jun Park và
Sang-Woo Kim cho biết: "Loa chuyển đổi tín hiệu điện thành âm thanh và
quy trình trái ngược - chuyển đổi từ âm thanh sang điện là hoàn toàn có
thể thực hiện."

Vật liệu áp điện tạo ra điện tích khi bị nén và
do đó, kẽm oxit bị ép thành một đĩa mỏng với nhiều sợi kích thước nano
nằm giữa 2 điện cực. Các nhà nghiên cứu sau đó đặt lớp kẽm oxit này vào
một luồng sóng âm có độ lớn 100 dB. Kết quả cho thấy, vật liệu đã tạo ra
được một dòng điện có điện thế khoảng 50 mV.

Trung bình, một
chiếc điện thoại chỉ cần vài Volt để hoạt động và một cuộc gọi thông
thường có âm lượng từ 60 đến 70 dB. Vì vậy, nếu so với thí nghiệm trên
thì công nghệ hiện tại vẫn chưa có khả năng áp dụng. Tuy nhiên, các nhà
nghiên cứu vẫn lạc quan rằng họ cần thời gian để nâng cao điện thế thu
được. Họ hy vọng các ứng dụng trong tương lai sẽ bao gồm sạc pin điện
thoại ngay khi thực hiện cuộc gọi hay các bức tường cách âm gần đường
cao tốc để sử dụng năng lượng âm thanh phát ra từ các phương tiện giao
thông bổ sung vào lưới điện quốc gia.