Trong khi các hành tinh trong Hệ Mặt Trời đều ngoan ngoãn quay theo chiều xoay của chính mặt trời, sự việc hoàn toàn đối lập ở một số hệ mặt trời khác.
Giới khoa học phát hiện những hành tinh khổng lồ bị nung đốt bởi ngôi sao trung tâm đôi khi lại di chuyển xung quanh mặt trời của nó theo chiều ngược lại. Tình trạng trái khoáy này xảy ra ở các hành tinh được liệt vào dạng sao mộc, tức các hành tinh có kích thước tương tự sao mộc nhưng lại di chuyển xung quanh tâm hệ mặt trời một cách bất thường.
Bí mật này trở thành câu hỏi hóc búa đối với các nhà khoa học, vốn thách thức các cơ chế vận hành thiên thể mà con người biết đến lâu nay. Trong nghiên cứu mới đây trên chuyên san Nature, các chuyên gia của Đại học Tây Bắc (Mỹ) đã cung cấp một mô hình mà họ cho là có thể giải thích được tình trạng xoay ngược này.
Theo đó, ngôi sao trung tâm có kích thước như mặt trời, còn 2 hành tinh còn lại nằm khá gần nhau, nhưng cách xa sao trung tâm. Ban đầu, các hành tinh đều xoay quanh mặt trời theo đúng hướng, nhưng sau đó do 2 hành tinh quá gần nhau và tạo nên lực hấp dẫn cộng hưởng, dẫn đến lực thủy triều cực mạnh ở hành tinh gần mặt trời hơn. Sau 1 thời gian dài, hành tinh gần hơn bắt đầu chuyển sang quỹ đạo lệch tâm, cuối cùng di chuyển theo quỹ đạo ngược lại hướng ban đầu.
Theo thanh niên