Bộ
Thông tin – Truyền thông đã đồng ý cho 5 doanh nghiệp là VNPT, Viettel,
FPT Telecom, CMC và VTC được thử nghiệm xây dựng và ứng dụng mạng thông
tin di động thế hệ thứ tư (4G) trong vòng 1 năm. Sau đó, nếu doanh
nghiệp nào thực sự muốn phát triển lên 4G phải tham gia đấu giá tần số
để được nhận giấy phép.
Sau sự
cho phép nói trên, việc triển khai 4G của FPT vẫn chưa có thông tin
chính thức. Riêng CMC TI dự kiến sẽ cung cấp các dịch vụ trên nền tảng
4G gồm dịch vụ truy cập internet băng thông rộng, streaming video… và sẽ
triển khai thử nghiệm 4G trên hai địa bàn là Hà Nội và TPHCM nhưng
không công bố thời gian cụ thể. Rõ ràng, doanh nghiệp được phép vẫn chưa
có nhiều động thái sau sự kiện này. Đây cũng là thông tin mà nhiều
người trong giới CNTT cũng như những ai quan tâm đến cách phát triển
công nghệ đều có suy nghĩ.
Hiện Việt Nam có 3 nhà cung cấp 3G
là Viettel, MobiFone và VinaPhone. Trước khi 3G xuất hiện, các nhà mạng
có những cuộc đua ồn ào để có giấy phép triển khai với giá trị tiền cọc
hàng chục tỷ đồng. Thực tế trong thời gian qua, 3 nhà mạng này liên tục
giảm cước lưu lượng dịch vụ Mobile internet để kích cầu thị trường và
chỉ đáp ứng một phần nhu cầu giải trí của giới trẻ chứ chưa có dịch vụ
ứng dụng cho đời sống xã hội. Chính vì thế, việc được triển khai thử
nghiệm 4G liệu có tạo ra một cuộc đua mới phục vụ cuộc sống thiết thực
hơn hay không là điều mà nhiều người đang chờ đợi.
Tại lễ trao giấy phép 4G cho 5
công ty nói trên, Vụ Viễn thông (Bộ Thông tin - Truyền thông) cho biết,
theo Luật Viễn thông, các doanh nghiệp sẽ phải đấu giá tần số (nhằm
tránh tình trạng xin giấy phép “giữ chỗ”) để lấy giấy phép 4G. Sau khi
đấu giá tần số, các doanh nghiệp có thể chuyển nhượng tần số nếu muốn.
Với cách làm đấu giá tần số, sẽ buộc các doanh nghiệp cân nhắc nghiêm
túc đến tiềm năng thị trường, khả năng triển khai cung cấp dịch vụ… và
như thế sẽ tạo ra một cuộc đua chỉ giữa các doanh nghiệp có tiềm lực
cũng như tham vọng triển khai 4G.
Tuy nhiên, không khó để nhận thấy
trong số 5 doanh nghiệp được thử nghiệm 4G, FPT Telecom, VTC và CMC vốn
chưa có tiền đề trong việc phát triển mạng di động, trong khi đó VNPT và
Viettel đã có nhiều năm kinh nghiệm phát triển mạng di động và đang sở
hữu cơ sở hạ tầng của 3G được cho là khá tốt. Chính vì thế, đây là cơ
hội cho FPT Telecom, VTC và CMC nhảy vào sân chơi mạng di động và cũng
chính là thách thức trước VNPT và Viettel vốn có nhiều thâm niên.
Thách thức nằm ở chỗ chọn công
nghệ WiMAX hay LTE cho việc thử nghiệm 4G. Nếu chọn WiMAX, ngoài lợi thế
có thể giúp các vùng sâu, vùng xa, nơi mà việc kéo cáp hữu tuyến đến
rất khó khăn thì WiMAX với chi phí đầu tư lên đến hàng tỷ USD còn phải
chịu thêm rất nhiều chi phí quản lý cao, thiết bị đầu cuối đắt đỏ, bảo
mật khó khăn… Còn chọn LTE thì phải có nền tảng của 3G, nhưng FPT
Telecom, VTC và CMC làm gì có 3G mà dựa vào đó triển khai? VNPT và
Viettel đã có 3G nên chỉ cần đầu tư nâng cấp mạng viễn thông hiện tại để
tiếp tục phát triển 4G trên nền LTE và tất nhiên tránh được việc đầu tư
mới toàn bộ…
3G rất cần nhiều thời gian để
chứng tỏ giá trị và các doanh nghiệp cũng cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa
để thuyết phục người dùng về lợi ích của 3G. Nếu thế, việc thử nghiệm 4G
liệu có quá vội vàng và cần thiết vào thời điểm hiện nay? 3G chưa
“chín”, lại phải lao vào 4G (?!).
(Theo SGGP)