Chưa bao giờ, người dùng smartphone Android và iPhone
lại cần thận trọng đối với sự phụ thuộc vào công nghệ số của họ đến vậy,
khi cứ mười người lại có đến ba người truy cập phải một đường link
không an toàn, theo một báo cáo gần đây vừa tiết lộ.
|
Cứ 10 người dùng smartphone thì có đến 3 người dính rủi ro - Ảnh minh họa: Technolog.msnbc.msn.com |
Lookout, hãng bảo mật di động chuyên giám sát các ứng
dụng trên Android, Blackberry và Windows Mobile, gần đây vừa công bố
“Báo cáo hiểm nguy di động Lookout” và phát hiện người dùng Android đang
có nguy cơ nhiễm malware gấp 2,5 so với chỉ cách đây 6 tháng. Hiện đã
có từ 500.000 đến 1 triệu người dùng (Android) bị nhiễm malware chỉ
trong nửa đầu năm 2011.
Đáng lo ngại hơn khi các ứng dụng bị nhiễm malware trên Android Market đã tăng từ 80 ứng dụng (tháng Một) lên thành 400 trong tháng Sáu năm nay.
|
Lookout
thu thập dữ liệu cho báo cáo của họ thông qua “Mạng lưới cảnh báo hiểm
nguy cho di động”, được xem là “bao gồm kho dữ liệu lớn nhất thế giới
dành cho các ứng dụng và các kết quả nhận diện malware từ mỗi thiết bị
di động trên khắp thế giới”.
Lookout khẳng định, smartphone đang dần trở thành thứ
công cụ “phải có”, với doanh số bán ra “dự kiến sẽ tăng từ 300 triệu đơn
vị trong năm 2010, lên thành 650 triệu đơn vị vào năm 2012”.
Và Android, với hơn 200.000 ứng dụng, lại chưa có đủ
sức mạnh để chống lại những làn sóng tấn công của tội phạm điện tử nhằm
vào nó. Và iOS của Apple, tuy có đỡ hơn một chút, cũng đang bắt đầu
chứng kiến cảnh malware lọt qua “pháo đài” của họ.
Báo cáo kết luận rằng “các mối đe dọa bên trong ứng
dụng lẫn trên các trang web đang tăng lên cả về số lượng lẫn độ tinh
vi”, và cảnh báo “những kẻ tấn công đang triển khai một loạt các kỹ
thuật hiểm hóc để kiểm soát toàn bộ chiếc điện thoại, dữ liệu cá nhân,
và tiền của khổ chủ. Chưa hết, những kẻ viết mã độc cũng đang dùng nhiều
phương pháp để phát tán malware, như những mẩu quảng cáo giả mạo chứa
mã độc (malvertising)”.
|
Technolog.msnbc.msn.com |
Những mối đe dọa bên trong ứng dụng, còn được biết đến
như malware và spyware, trong khi sự xâm nhập từ nền web chủ yếu bằng
con đường lừa đảo (phishing scam), những nội dung tải về ngoài ý muốn,
và lỗi của trình duyệt. Kết nối vào những mạng mở, mà cụ thể là dùng
Wi-Fi công cộng, cũng là một trong những “cách nhanh nhất” để người dùng
tự làm hại mình.
Lời cảnh báo mà Lookout dành cho GGTracker, một trong
những malware nguy hiểm, có thể làm người dùng smartphone “rùng mình”.
Cụ thể, malware này có khả năng lừa người dùng truy cập vào một trang
web độc hại, sau đó nó dụ họ tải về nội dung độc hại từ một trang có
giao diện tương tự… Android Market.
Đây cũng là loại malware đầu tiên được biết với chức
năng gây hại duy nhất là âm thầm làm… tăng tiền hóa đơn điện thoại của
khổ chủ sau khi nó được cài đặt.
Lookout khuyên người dùng nên làm theo những mẹo vặt sau để giữ an toàn
- Chỉ tải ứng dụng từ nguồn đáng tin cậy, chẳng hạn cửa
hàng trực tuyến của hệ điều hành. Nhớ chú ý vào tên nhà sản xuất, những
bài đánh giá (review).
- Ngay sau khi click vào một đường link, phải chú ý vào
thanh địa chỉ để đảm bảo vẫn là trang web mình muốn truy cập, nhất là
khi nó đòi cung cấp thông tin đăng nhập tài khoản.
- Nên đặt mật khẩu sử dụng cho chính điện thoại, để khi
nó bị đánh cắp hoặc thất lạc, thì thông tin của bạn cũng không dễ bị
tiếp cận.
- Nên tải về một ứng dụng bảo mật di động (Lookout
khuyên dùng ứng dụng do hãng này phát triển), để quét mọi ứng dụng bạn
tải về trước khi cài đặt, và có thể giúp bạn xác định vị trí thiết bị
khi bị thất lạc. Ứng dụng bảo mật này cũng nên gồm cả chức năng kiểm tra
độ an toàn của mọi trang web.
- Cảnh giác với mọi diễn biến bất thường bên trong điện
thoại của bạn, vì nó có thể là dấu hiệu thiết bị đã bị nhiễm mã độc.
Những biểu hiện bất thường này bao gồm những tin nhắn không rõ nguồn
gốc, hóa đơn điện thoại tăng đột biến hoặc thời lượng pin suy đột ngột
suy giảm.
- Ngay khi thiết bị thông báo có bản firmware mới từ hãng sản xuất, nên tải về và cài đặt càng sớm càng tốt.