(Game8)
– Đó là những lời chân tình, chia sẻ của anh Võ Bằng Phan – Giám đốc
VTC Studio về khái niệm “Game thuần Việt” trong buổi hội thảo “Người
Việt làm Game Việt” vừa qua.Chiều 25/06 vừa qua, hội thảo “Người Việt làm Game Việt” đã được tổ chức
tại trụ sở VTC Online 18 Tam Trinh, Hà Nội. Tuy chưa thể có những đóng
góp trực tiếp vào sự phát triển của ngành sản xuất Game Việt, song hội
thảo phần nào đã giúp cộng đồng có cái nhìn tổng quan rõ ràng hơn về
ngành, cũng như tiềm năng phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp còn
rất non trẻ này.
Tiềm năng phát triển ngành sản xuất Game tại Việt NamGame hiện đang là lĩnh vực giải trí tương tác quan trọng hàng đầu trong
ngành công nghiệp nội dung số. Doanh thu toàn cầu từ ngành này tăng
trưởng nhanh chóng từ 7 tỷ USD (1994) lên 41.9 tỷ USD (2007) và dự đoán
sẽ đạt 68 tỷ USD (2012). Với tốc độ tăng trưởng bình quân 9% một năm,
Game đã trở thành ngành có tốc độ phát triển nhanh nhất trong lĩnh vực
giải trí. Năm 2008, ngành Game ở Mỹ giá trị khoảng 22 tỷ USD vượt qua
ngành công nghiệp âm nhạc (10 tỷ USD) và ngành công nghiệp phim ảnh (9,5
tỷ USD); thu hút hàng triệu lao động là các chuyên gia phát triển, phân
phối và marketing game.
Theo ông Nicolas Leymonerie, chủ tịch hiệp hội phát triển Game - IGDA
Việt Nam thì Việt Nam là thị trường Game lớn nhất Đông Nam Á với những
điều kiện thuận lợi cho việc phát triển sản xuất Game như: nền kinh tế
phát triển bền vững, tỷ lệ dân số trẻ cao, phí Internet hầu như không
đáng kể, giá thuê nhân công rẻ,… Qua thống kê năm 2008 cả nước có chưa
đến 5 Studio Game, năm 2011 con số này đã lên tới hơn 50, cho thấy sự
phát triển đang đà mạnh mẽ của ngành công nghiệp còn rất mới này.
Sau gần 3 năm kể từ MMO đầu tiên - “Thuận Thiên Kiếm” ra mắt, các sản
phẩm Game Online do Việt Nam sản xuất đang dần tràn ngập thị trường. Chỉ
riêng Quý II năm 2011 đã có 4 tựa Game được ra mắt cộng đồng như:
SQUAD, Generation 3 (VTC Studio), Jay Online (Fgame), TheKing
(MusicKing) với nhiều yếu tố văn hóa Việt được đan xen vào đồ họa,
gameplay độc đáo, phần nào thỏa mãn được thị hiếu người chơi.
Thế nào là “Game thuần Việt”Ngay từ khi phong trào tự phát triển Game nội địa được nhen nhóm, chúng
ta đã thấy thuật ngữ “Game thuần Việt” được nhắc đến rất nhiều. Vậy như
thế nào là “Game thuần Việt”? Đó là Game có nội dung mang đậm bản sắc
Việt, lịch sử Việt? Hay đó phải là Game do người Việt sản xuất?
Anh Võ Bằng Phan - Giám đốc VTC Studio
Phát biểu tại Hội thảo, anh Võ Bằng Phan – PGĐ VTC Online, GĐ VTC Studio
– vốn là một trong những người đặt nền móng cho sự phát triển Game
Việt, chia sẻ:
Game Việt không chỉ giới hạn ở nội dung Việt hay lối chơi thuần
Việt, mà cần mở rộng định nghĩa đối với tất cả những Game được sản xuất
tại Việt Nam và đem lại lợi nhuận cho chính đơn vị, cá nhân người Việt
sản xuất ra Game đó. Một Game mang nội dung thể hiện nét văn hóa đặc
trưng, đậm chất truyền thống Việt nhưng không hấp dẫn được người chơi
thì Game đó vẫn coi là thất bại.
Về căn bản, việc phát triển sản xuất Game Việt là để đem lại lợi nhuận
cho chính chúng ta. Do đó, cần dung hòa cái riêng và thị hiếu chung để
tạo ra một sản phẩm đặc sắc, không chỉ nhằm phục vụ thị trường nội địa
mà về lâu dài còn để khai thác thị trường Game thế giới – một thị trường
đang đem lại doanh thu khổng lồ cho nền kinh tế toàn cầu.
Cũng trong hội thảo, anh Võ Bằng Phan tiết lộ VTC Studio đang trong quá
trình xây dựng một dự án MMO hoàn toàn của riêng mình, với kỳ vọng sẽ
hấp dẫn không kém các Game bom tấn trên thế giới hiện nay. Thông tin chi
tiết về dự án sẽ được VTC Studio sớm cập nhật tới cộng đồng Game thủ
ngay khi đề án được thông qua.
Tương lai của các Game Studio nhỏ?
Một trong những vấn đề nổi cộm được thảo luận sôi nổi trong Hội thảo là
lối thoát nào cho các group, đơn vị studio sản xuất Game có quy mô nhỏ?
Bởi lẽ, không phải ai cũng có nguồn lực tài chính dồi dào đủ để chi trả
các khoản phí duy trì trong suốt quá trình nghiên cứu, hình thành và
phát triển đề án Game đến khi Game có thể trực tiếp khai thác lợi nhuận
trên thị trường.
Theo anh Phan, để khắc phục vấn đề tài chính, các studio nên chia nhỏ
quá trình sản xuất thành nhiều giai đoạn và đưa dự án Game tiếp cận thị
trường theo từng giai đoạn đó. Đồng thời có thể chào bán hay xin đầu tư
từ các Quỹ hỗ trợ khi Đề án đã có nền tảng khẳng định giá trị thành
công. Bằng cách đó, các Studio sẽ thu về mức lợi nhuận xứng đáng với tâm
huyết mình đã bỏ ra.
Không phải mọi câu hỏi đưa ra đều đã được trả lời thỏa đáng, tuy nhiên
như đơn vị tổ chức – VTC Academy đã nói, Hội thảo chỉ là cầu nối ban đầu
để các Studio, các cá nhân đang định hình phát triển sự nghiệp trong
lĩnh vực sản xuất Game có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, tiến tới
bắt tay hợp tác cùng đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp Game Việt.
Buổi hội thảo đã khép lại, song các vấn đề đưa ra trong hội thảo vẫn
được duy trì thảo luận trên website của VTC Academy. Mọi cá nhân, tổ
chức quan tâm, có thể truy cập website academy.vtc.vn để cùng chia sẻ,
đóng góp.
Game8